Chủ nhật, 05/05/2024 07:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/12/2022

MTĐT -  Thứ năm, 15/12/2022 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2022. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2022.

Quảng Ninh đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên

Thực hiện đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 11/2022, Quảng Ninh đã trồng được 4.118.470 cây, gồm trồng rừng tập trung, trồng mới, trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển theo dự án FMCR, trồng mới rừng sản xuất...

Từ năm 2004, Quảng Ninh đã đóng cửa rừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và từ giữa năm 2017 đến nay, toàn tỉnh không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên đề trồng rừng, không khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên; ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Đồng thời, tỉnh cũng giám sát chặt chẽ đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chỉ tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên khi thật cần thiết, chủ yếu là các dự án phục vụ an ninh - quốc phòng. Nhờ vậy, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ nguyên trạng với 122.281,1ha, trong đó diện tích rừng tập trung là 70.927,2ha.

>>> Xem thêm tại đây

Hà Tĩnh: 5 chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Theo dự thảo nghị quyết, chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách cấp tỉnh chi cho hoạt động bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh triển khai mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Phủ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà. Ảnh: Tư liệu

Việc xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường là rất cần thiết, vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đạt các mục tiêu về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là mục tiêu “tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định” góp phần xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện từng chính sách theo Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2020 và Nghị quyết 190/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết đã ban hành; thu thập thông tin, số liệu, báo cáo của các địa phương về việc công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn và kiến nghị của địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn.

>>> Xem thêm tại đây

Lý do trạm trung chuyển rác đầu tiên tại Đà Nẵng chưa hoạt động

Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu, Đà Nẵng) khởi công ngày 3-6-2021, hoàn thành ngày 30-4 với tổng mức đầu tư 171 tỉ đồng.

Công trình do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được kỳ vọng góp phần thu gom rác thải trong khu vực đô thị và qua xử lý ban đầu sẽ chuyển vào các xe chở rác tải trọng lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, cho hay do phải bổ sung hoàn chỉnh các thủ tục để đưa vào vận hành khai thác theo quy định và vì là dự án mới nên trạm trung chuyển rác thải này vẫn đang trong giai đoạn chờ, chưa đưa vào vận hành.

tm-img-alt
Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NGÔ QUANG.

Ông Nhật khẳng định, chủ trương của TP cho đầu tư xây dựng tại mỗi quận một trạm trung chuyển rác thải như trên là vô cùng thiết thực, góp phần hiện thực hóa đề án xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường.

Tuy nhiên, do công trình lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng, các thủ tục liên quan mất rất nhiều thời gian. Khó khăn nhất là công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư bởi người dân Đà Nẵng đã quá ám ảnh về sự ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn nên chẳng ai muốn đưa bãi rác về gần nhà mình.

“Trạm trung chuyển rác thải mà đặt xa khu dân cư, khu vực vắng vẻ thì lại không đảm bảo yêu cầu về bán kính thu gom rác để đạt hiệu quả tối ưu. Còn đặt trong khu vực trung tâm thì công tác vận động, lấy ý kiến người dân mất nhiều thời gian” - ông Nhật nói.

>>> Xem thêm tại đây

Quảng Bình khánh thành 73 nhà "An toàn chống chịu bão, lụt" cho người dân

Chiều 14/12, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với tổ chức World Share và Sở Kế hoạch-Đầu tư tổ chức khánh thành và bàn giao 73 nhà “An toàn chống chịu bão, lụt” cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tham dự có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam; ông Park Hyun Mo, Tổng Giám đốc World Share Hàn Quốc; đại diện lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. 

tm-img-alt
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nói về ý nghĩa của dự án hỗ trợ xây dựng nhà “An toàn chống chịu bão, lụt” cho người dân Quảng Bình.

Tại lễ bàn giao 73 nhà an toàn được xây dựng từ sự hỗ trợ của chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình và tổ chức World Share, ông Phan Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh nói "UBND tỉnh Quảng Bình mong muốn trong thời gian tới, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ người dân nghèo của tỉnh giúp bà con ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chủ động trong phòng, chống thiên tai".

>>> Xem thêm tại đây

Chỉ đạo của UBND TP.HCM về công tác vệ sinh công cộng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã cho phép toàn ngành vệ sinh làm việc cả ngày lẫn đêm và các phương tiện chuyên dụng được lưu thông trong thời gian cao điểm từ ngày 19.1.2023 đến hết ngày 26.1.2023 (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết) để tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng trên toàn địa bàn Thành phố; đặc biệt là đối với đường hoa Nguyễn Huệ và những nơi tổ chức lễ hội pháo hoa. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho đội ngũ công nhân để an tâm làm việc.

tm-img-alt
TP. Hồ Chí Minh bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các phương tiện chuyên dụng phải bảo đảm chất lượng vệ sinh, không để phát sinh tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động thu gom, vận chuyển. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện bố trí đủ số lượng nhân sự, phương tiện chuyên dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để duy trì công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các tuyến đường chính trên địa bàn, nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị của Thành phố trong những ngày đầu xuân.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cho phép xe xúc hoạt động tại một số điểm tập trung chất thải rắn sinh hoạt có khối lượng lớn trên các tuyến đường của Thành phố. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động quyết định việc sử dụng xe xúc để phục vụ cho công tác duy trì chất lượng vệ sinh đô thị trên các tuyến đường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong quá trình thực hiện công tác vệ sinh công cộng phục vụ Tết Nguyên đán; các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố theo quy định.

>>> Xem thêm tại đây

Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin đến các sở, ngành, địa phương và các đại biểu tham gia một số nội dung cơ bản của dự thảo đề án, các nội dung cần góp ý, hoàn thiện để đề án được ban hành và có tính khả thi cao.

tm-img-alt
Một điểm thu gom rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: ITN

Đa số đại biểu đều khẳng định việc xây dựng, ban hành đề án này là cần thiết, cấp thiết để thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nâng cao công tác quản lý chất thải, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Các đại biểu góp ý cần xem xét lại các chỉ tiêu, chẳng hạn: Chỉ tiêu đến năm 2025 có 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là quá cao; tương tự với trạm trung chuyển chất thải, hiện tỉnh chỉ có 14/63 trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng và môi trường nhưng đề án đặt mục tiêu 3 năm nữa 100% trạm được chuẩn hóa là không khả thi...

Về giải pháp, cần đặc biệt coi trọng công tác truyền thông đến các em học sinh, đoàn viên thanh niên, người nội trợ về phân loại chất thải, giảm rác thải nhựa; khuyến khích mô hình hoặc giải pháp tái chế, tái sử dụng rác thải. Các ý kiến cho rằng, phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa hiệu quả vì phương tiện, trạm trung chuyển chưa đồng bộ, phí dịch vụ thu gom rác hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thấp...

>>> Xem thêm tại đây

Bến Tre đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước

Trao đổi về công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre cho hay, đứng trước những áp lực của BĐKH và nước biển dâng, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trọng tâm là ngày 6/8/2021, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 4646 nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình số 10 ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030. Từ Kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai, tuyên truyền các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn TNN đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ tầm quan trọng của TNN, nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước.

Ngoài ra, Bến Tre cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, theo tiến độ hoàn thành và công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hàng năm trên địa bàn tỉnh các năm tiếp theo.

>>> Xem thêm tại đây

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/12/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.