Thứ hai, 29/04/2024 17:35 (GMT+7)

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?

MTĐT -  Thứ ba, 13/12/2022 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thông tin lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội về việc đá lát trên vỉa hè bị vỡ, hỏng là do đá bị om và "khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ", chuyên gia cho rằng lý giải đó không có tính khoa học.

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 200 tuyến phố được lát đá tự nhiên (đá marble, đá hoa). Được biết, loại đá tự nhiên này có độ bền lên tới 70 năm. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, nứt, vỡ…

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội vào ngày 8.12 vừa qua, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết về hiện tượng vỉa hè bị vỡ, hỏng được báo chí phản ánh thời gian gần qua, chủ yếu là những tuyến đường được lát vỉa hè trước giai đoạn ban hành Quyết định số 1303 ngày 21.3.2019 về việc "thiết kế mẫu hè đường phố đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Theo ông Phong, đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất nên "khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý".

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bị nứt, vỡ. Ảnh: Thiên nhiên và Môi trường

Sau thông tin lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã xuất hiện những ý kiến phản biện của các chuyên gia, trong đó có những ý kiến cho rằng đó là cách lý giải không thuyết phục.

Để cung cấp thêm góc nhìn từ phía chuyên gia trong lĩnh vực hữu quan về vấn đề này, Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng như ghi nhận ý kiến của PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Giải thích đá vỉa hè 'tự vỡ' do mưa là không khoa học

Những ngày qua truyền thông phản ánh tình trạng vỉa hè lát đá “có độ bền 70 năm” ở nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị xuống cấp, nứt, vỡ… ông nghĩ sao về việc này?

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: Nhà đầu tư

PGS-TS Trần Chủng: Việc đá giới thiệu có độ bền vài chục năm nhưng mới dùng được đôi ba năm đã hư hỏng thì phải tìm nguyên nhân của sự hư hỏng sớm này. Cần có đánh giá, điều tra nguyên nhân một cách nghiêm túc để có biện pháp khắc phục và tìm ra bài học tránh tái lặp trong tương lai.

Việc đá lát vỉa hè bị vỡ, nứt… được lý giải do phương pháp nổ mìn nên đá bị “om”, do đá marble thường có gân, không đồng chất nên mưa xuống dễ bị giãn nở, tự vỡ kể cả khi không có tác động vật lý. Theo ông lý giải như vậy đã chính xác?

Nếu “om” là nguyên nhân dẫn đến chất lượng kém thì ai chấp nhận đưa sản phẩm này vào sử dụng? Mưa nhiều mà vỡ thì phải chăng ta phải làm mái che cho vỉa hè?! Giải thích như thế không đúng, không khoa học. Cơ quan chuyên môn của Hà Nội cần phải nói đúng kỹ thuật.

Về việc này, thành phố cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện để có lời giải hợp lý, khoa học cho một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội.

Tính hợp lý mà ông nói ở đây, cụ thể là như thế nào?

Tính hợp lý của lời giải này phải bắt nguồn từ sự hiểu biết thống nhất về cấu trúc hình thành ra những con đường, vỉa hè. Những con đường bộ chúng ta hàng ngày lưu thông được hình thành từ nhiều lớp vật liệu có yêu cầu về kỹ thuật riêng biệt.

Cấu trúc thông thường của một con đường bắt đầu với nền đất được xử lý đạt cường độ yêu cầu. Tiếp đến bên trên là hai lớp móng (móng trên, móng dưới), thường bằng đá dăm, trên cùng là các lớp áo đường bằng nhựa hoặc bằng bê tông.

Vỉa hè trong các tuyến phố đô thị cũng được coi là kết cấu đường mở rộng nhưng lớp áo là gạch lát và các lớp móng cũng đòi hỏi cấu tạo thành nhiều lớp và có yêu cầu cường độ tương ứng. Các cụ nói “dao sắc không bằng chắc kê”, cho nên chất lượng các lớp nền, móng của vỉa hè rất quan trọng trong thi công để gạch bên trên bền vững.

Diện tích rộng lớn mà nền, móng không đảm bảo chất lượng một cách đồng đều sẽ không tốt về mặt phân tải. Nhất là khi ta cho xe cộ chạy lên vỉa hè một cách tùy tiện như hiện nay thì viên gạch lát không chịu nổi.

Như phân tích, việc đá lát bị vỡ, nứt, xuống cấp cần điều tra xem tại sao khu vực này vỡ, khu vực khác chưa vỡ… cần khảo sát để tìm nguyên nhân do nền không tốt, móng không tốt, chất lượng của đá lát không tốt? Hay là việc quản lý, sử dụng vỉa hè không đúng với công năng sử dụng cam kết?… Đó là tất cả những câu hỏi kỹ thuật phải tìm ra câu trả lời.

Việc này rất nghiêm túc chứ không thể quy chụp, nói võ đoán, thiếu chuyên môn.

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Hà Nội lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Ảnh: TTXVN

Nếu là câu chuyện vật liệu cụ thể ở đây là đá lát vỉa hè, ông chia sẻ gì dưới góc nhìn chuyên môn?

Tôi thiết nghĩ, vỉa hè ở Thủ đô Hà Nội chắc chắc cần được quy hoạch ở từng đường phố theo công năng sử dụng để từ đó có những yêu cầu khác nhau về cường độ, kích thước loại vật liệu kể cả màu sắc của chúng theo yêu cầu mỹ quan. Thế nên khâu tuyển chọn vật liệu rất quan trọng.

Vật liệu được lựa chọn để lát cho vỉa hè phải tuân thủ quy trình sản xuất vật liệu đảm bảo yêu cầu của thiết kế. Quy trình này phải được kiểm soát từ khâu lựa chọn khu vực khai thác, công nghệ khai thác, cách thức khai thác… cho tới khi xuất xưởng.

Chúng ta có thể thiết kế, lựa chọn vật liệu và thi công đúng kỹ thuật nhưng công tác quản lý và sử dụng tùy tiện thì không chỉ công trình bị hư hỏng nhanh mà chức năng quan trọng hàng đầu là phục vụ người dân của các vỉa hè cũng bị vô hiệu.

PGS-TS Trần Chủng

Tiếp đến, khi đưa vật liệu vào sử dụng, phải xem xét tính chất cơ lý của vật liệu đó có đảm bảo theo yêu cầu của thiết kế không (từ độ bền tới màu sắc, khả năng gia công chế tạo, vận chuyển…)? Thông qua các biên bản kiểm soát kỹ thuật ta có thể khẳng định được vật liệu này sản xuất đúng kỹ thuật, thiết kế hay không thì mới cho phép đưa vào sử dụng.

Tôi xin nói lại, tất cả các vật, vật liệu trước khi đưa vào sử dụng đều phải được nghiệm thu chất lượng, phải tuân thủ kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế và quy định của pháp luật.

Nếu khâu nguyên liệu đảm bảo mà tình trạng xuống cấp như nói ở trên vẫn xảy ra, vậy theo ông do đâu?

Tôi xin nhắc lại, việc hư hỏng như ta đang nói cần phải tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng do khâu nào, và ai thực hiện công việc đó sai thì phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ, nếu nguyên nhân do vật liệu thì ai nghiệm thu? Còn thi công sai, không làm đúng yêu cầu kỹ thuật thì ai thi công, ai giám sát? Không nói chung chung, mà cần tìm ra nguyên nhân và xác định nguyên nhân khâu nào thì người thực hiện khâu đó phải chịu trách nhiệm.

Bất kỳ một công trình xây dựng nào người thiết kế phải thiết lập ra những yêu cầu kỹ thuật cho các loại vật liệu sử dụng vào công trình của mình. Từ yêu cầu kỹ thuật ấy, người đặt hàng đặt đúng vật liệu như vậy. Và nhà sản xuất phải đảm bảo kiểm soát chất lượng của vật liệu ấy trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được đưa ra. Nếu thiết kế chỉ định mua nguyên liệu đó và người mua đúng thì thiết kế chịu trách nhiệm.

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Thông thường mỗi đợt cuối năm, trên nhiều tuyến phố lại xuất hiện hình ảnh sửa chữa, nâng cấp khu vực vỉa hè tiêu tốn phần chi phí không hề nhỏ. Ảnh: Thiên nhiên và Môi trường

Về nguyên lý, bất kỳ một hư hỏng, một sự cố công trình nào đều phải có khảo sát kỹ thuật, điều tra kỹ thuật. Cái đó người ta gọi là kiểm định để tìm ra nguyên nhân chính và các nguyên nhân phụ khác làm cơ sở kết luận về trách nhiệm.

Ngoài ra, cũng có thể có một nguyên nhân khác. Có thể đơn vị thi công vỉa hè đã đảm bảo kỹ thuật, nhưng đơn vị thi công cấp thoát nước, hoặc đơn vị thi công đường cáp điện, thông tin khi lấp lại không đảm bảo kỹ thuật thì cũng có thể dẫn tới những hư hại mà ta đang nói tới.

Không biết đến khi nào các vỉa hè mới bớt “khổ”?

Là một nhà chuyên môn, ông có gợi ý gì trong việc lựa chọn vật liệu, cụ thể là đá là vỉa hè cũng như biện pháp nói chung để đảm bảo chất lượng công trình và tránh lãng phí cho thành phố?

Tôi mong chính quyền đô thị Hà Nội cần có một kế hoạch cụ thể và cần coi việc xây dựng và quản lý các vỉa hè ở một tầm quan trọng khác. Vỉa hè của các tuyến đường đô thị không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân mà còn là bộ mặt của một đô thị.

Trước hết phải xác định rõ vỉa hè giữ chức năng gì trong hệ thống công trình đô thị. Có nhiều vỉa hè của Hà Nội nhưng người dân không có điều kiện đi trên đó bởi nó biến thành một công năng khác và đang bị sử dụng sai hoàn toàn với công năng của vỉa hè.

Quan điểm cá nhân tôi, vỉa hè phải có chức năng chủ yếu là dành cho người dân đi bộ. Trên đó dứt khoát phải thiết kế và cấu tạo vỉa hè dành cho người tàn tật được tiếp cận. Nếu vỉa hè rộng, có thể là không gian để người dân tiếp cận các điểm mua sắm, nhà hàng và có không gian để xe máy, xe đạp… nhưng chức năng quan trọng nhất vẫn cần phải dành đường đi cho người đi bộ. Và khi xác định được chức năng cho từng tuyến vỉa hè từ đó chọn giải pháp kết cầu và vật liệu phù hợp.

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Không biết đến khi nào, các vỉa hè của Thủ đô mới bớt “khổ”?Ảnh: Báo Giao thông

Một vấn đề vô cùng quan trọng là công tác quản lý các vỉa hè. Chúng ta có thể thiết kế, lựa chọn vật liệu và thi công đúng kỹ thuật nhưng công tác quản lý và sử dụng tùy tiện thì không chỉ công trình bị hư hỏng nhanh mà chức năng quan trọng hàng đầu là phục vụ người dân của các vỉa hè cũng bị vô hiệu.

Ngoài ra, hiện nay vỉa hè của ta còn có nhiều nhiệm vụ khác. Nằm bên dưới vỉa hè là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (đường ống nước, ống điện…). Nhưng điều đáng nói là tình trạng quản lý không thống nhất. Một vỉa hè nhưng có quá nhiều “ông chủ”. Vỉa hè của Thủ đô có một cuộc sống khổ sở với tình trạng nay đào lên, mai lấp xuống. Vỉa hè vừa hoàn thành đưa vào sử dụng được một thời gian thì đơn vị thi công hệ thống cáp điện, lắp đặt các tủ biến áp lại đào lên lắp điện, xong lấp xuống có khi chưa khô thì tới lượt đơn vị thi công hệ thống cấp thoát nước.

Cho nên vỉa hè mà chúng ta thấy hiện nay ngoài chức năng tạo không gian cho người đi bộ, khoảng không gian giữa phố với đường như quy định thông thường của cấu trúc đường xá đô thị thì vỉa hè đang có nhiều nhiệm vụ khác.

Là một nhà chuyên môn thuần túy, tôi “thương” các vỉa hè ở Thủ đô và nhiều lần tự hỏi: dù vỉa hè có nhiều nhiệm vụ nhưng tại sao chính quyền của đô thị lại không thể quy các nguồn tài chính (đều là vốn ngân sách nhà nước) để làm các nhiệm vụ nêu trên đồng thời với việc thi công vỉa hè? Cho tới nay câu hỏi này trên thực tế tôi vẫn chưa nhận dạng được câu trả lời. Và không biết đến khi nào, các vỉa hè của Thủ đô mới bớt “khổ”?

Cảm ơn ông về những trao đổi!

PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng):

Đá có độ bền 70 năm chỉ là nhận định cảm tính

Trong kỹ thuật chuyên môn, đá lát vỉa hè có độ bền bao nhiêu năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Tải trọng tác động lên vỉa hè (người đi lại, tần suất phương tiện giao thông…); Độ dầy và chất lượng lớp móng vỉa hè; Độ dầy và chất lượng lớp lót vỉa hè; Độ dầy và chất lượng lớp đệm vỉa hè; Độ dầy và chất lượng lớp đá lát vỉa hè.

Nhận định “đá có độ bền 50-70 năm” chỉ mang tính chất cảm tính.

Riêng chất lượng đá lát tự nhiên để lát vỉa hè cũng đã bao gồm đến 6 nhóm có khả năng chịu lực uốn, độ mài mòn khác nhau theo tiêu chuẩn “TCVN 4732:2016 Đá ốp, lát tự nhiên”. Các nhóm đá vôi, đá marble, đá thạch anh có khả năng chịu lực uốn thấp, trong khi các nhóm đá granit, đá phiến có khả năng chịu lực uốn cao có thể hơn 2 thậm chí đến 15 lần so với các nhóm đá yếu.

Việc đá lát vỉa hè bị vỡ, nứt là gây ra bởi nhiều yếu tố, trong đó việc lựa chọn loại đá tự nhiên chỉ là một yếu tố. Đá marble có giãn nở hay không cũng phải được thí nghiệm, kiểm định cẩn thận và chỉ khi có các số liệu khoa học thì mới có thể kết luận được.

Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?
Nhận định “đá có độ bền 50-70 năm” chỉ mang tính chất cảm tính.Ảnh: Thiên nhiên và Môi trường

Nhìn chung, một số nguyên nhân chính có thể gây nứt, vỡ, bong, tróc đá lát vỉa hè trong quá trình sử dụng bao gồm: Xuất hiện các tải trọng bất thường vượt quá tải trọng thiết kế (ví dụ: phương tiện giao thông dừng đỗ quá nhiều hoặc có chở hàng nặng đi đột ngột lên vỉa hè, …); Chất lượng các lớp móng, lớp lót, lớp đệm phía dưới lớp đá lát không đảm bảo khả năng chịu tải theo thiết kế, có thể do thi công không đảm bảo như khả năng đầm chặt, độ bằng phẳng lớp nền, cường độ lớp nền và có thể bị ngấm nước trong quá trình sử dụng làm yếu đi; Thiết kế cách sắp xếp vị trí, liên kết giữa các viên đá lát chưa phù hợp; Chất lượng viên đá lát không đảm bảo khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn,…

Một số giải pháp để vỉa hè có độ bền cao hơn, gồm:

+ Khảo sát lớp đất phía dưới, dự báo tải trọng (người đi bộ, xe máy, xe đạp, ô tô có thể đi lên hoặc đỗ trên vỉa hè).

+ Thiết kế kết cấu chịu lực của vỉa hè để phân bố tải trọng đều (độ dày và khả năng chịu lực của các lớp móng, lớp lót, lớp đệm và đá lát vỉa hè).

+ Lựa chọn loại đá lát (kích thước, độ dày, độ bền uốn, độ chịu mài mòn bề mặt, độ hút nước) cẩn thận trên cơ sở phân tích tải trọng tác động, độ dầy và khả năng chịu lực của các lớp móng, lớp lót, lớp đệm.

+ Tăng tần suất thí nghiệm và kiểm tra thường xuyên chất lượng (kích thước, độ dày, độ bền uốn, độ chịu mài mòn bề mặt, độ hút nước) các lô vật liệu đá lát vỉa hè sử dụng để thi công.

+ Thi công cẩn thận và đảm bảo chất lượng các lớp cấu tạo vỉa hè theo đúng thiết kế.

Bạn đang đọc bài viết Vụ đá vỉa hè ở Hà Nội 'tự vỡ' do mưa: Không lẽ phải làm mái che cho vỉa hè?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lệ Quyên/nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...