Thứ sáu, 26/04/2024 19:00 (GMT+7)

10 năm xuôi ngược con nước làm sạch một dòng kênh

MTĐT -  Thứ sáu, 11/03/2022 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tất bật từ bình minh đến hoàng hôn, dập dềnh theo con nước, ngày ngày vớt rác trên kênh để người dân mỗi ngày được tập thể dục, tản bộ, chụp hình. Họ là những công nhân “hồi sinh” dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm.

Tất bật từ lúc bình minh đến tận hoàng hôn, dập dềnh theo con nước, ngày ngày vớt rác trên kênh để người dân mỗi ngày sáng được tập thể dục, chiều chiều tản bộ, chụp hình. Họ - là những công nhân góp phần “hồi sinh” dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm.

Mờ sáng, mặt nước dòng kênh còn phủ hơi sương, những cơn gió nhè nhẹ se se lạnh, nhiều người đang chạy bộ, tập thể dục ở công viên dọc theo con kênh, còn đội công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM vội lót dạ trước lúc “nhổ neo” vào ca làm việc.

Đúng 6h30 mỗi sáng, con nước đang lên, 6 chiếc xuồng máy chở hơn 10 công nhân xuất bến. Mỗi chiếc xuồng còn tự chế thêm những chiếc te là chiếc khung sắt có bọc lưới hút rác lúc di chuyển.

10 năm xuôi ngược con nước làm sạch một dòng kênh
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Đoạn kênh dài 8km trải qua các quận thành phố từ đầu đường Út Tịch (quận Tân Bình) cho đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Vào năm 2012 tuyến kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành, đội vớt rác trên kênh được thành lập với gần 30 người quản lý, thu gom rác trên toàn tuyến kênh.

Anh Trương Thái Hoà, công nhân vớt rác kiêm tài công cho biết: “Ngay đợt này là mùa lục bình, đợt 6-7 mùa mưa là rác từ trong các cống tống ra kênh nhiều lắm. Dân xả xuống, nước ra dô rác tống ra kênh…. Nhiều thì cỡ 12-13 tấn, bình quân thì 7-8 tấn rác”.

Theo những công nhân vệ sinh môi trường, rác nhiều nhất trên tuyến kênh này trải từ cầu Sắt - Trần Quang Diệu đến cầu Điện Biên Phủ. Đặc biệt là ngay đoạn cầu Bùi Hữu Nghĩa có con rạch Xuyên Tâm ô nhiễm quanh năm bao năm vẫn chưa giải quyết. Bên trong rạch là con nước đen ngầu, rác đủ loại nổi bồng bềnh.

Ông Trương Văn Hổ, tổ trưởng tổ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do rạch Xuyên tâm kêu là rạch Bùi Hữu Nghĩa. Người dân khi sinh hoạt vứt thẳng xuống, khi thuỷ triều lên xuống thì đẩy rác ra…Rác chỉ có ra chứ không có vô…”

10 năm xuôi ngược con nước làm sạch một dòng kênh
Việc vớt rác tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần

Công việc vất vả, bốc mùi, phơi mặt ngoài nắng hằng ngày nên điều dễ nhận biết với các công nhân ở dây là nước da sạm đen cháy nắng.

Nói về nghề của mình, ông Ngô Văn Tiến không khỏi có chút bùi ngùi: “Làm từ sáng tới chiều, nhiều lắm làm không hết dâu. Làm khẳm ghe luôn, không biết bao nhiêu tấn đâu. Giờ nắng lăn là đổ mồ hôi, làm muốn chóng mặt luôn. Làm mình mẩy hôi lắm, về phải tắm rửa chứ đứng gần người ta cũng ngại”

Ngót nghét gần 10 năm vớt rác trên sông đã có 2 thế hệ nối tiếp việc vớt rác “cha truyền con nối”. Trương Huỳnh Quốc Huy 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học ngành Môi trường, theo cha – ông Trương Văn Hổ vớt rác. Chàng trai hóm hỉnh tự hào về nghề nghiệp của mình: “Nếu bạn gái hỏi “anh làm nghề gì” thì mình bảo anh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Bình thường, mình đâu làm gì xấu đâu mà sợ”.

Làm việc mỗi ngày 2 ca sáng chiều, khởi đầu lúc bình minh ló rạng và kết thúc lúc hoàng hôn chạng vạng, những người công nhân vớt rác trên kênh dần dần đã yêu dòng kênh này.

Với họ - không gì hạnh phúc bằng khi xuồng máy trở về, thấy người dân hai bên đường Trường Sa - Hoàng Sa được tản bộ, được hít thở khí trời trong lành, lộng gió...

Bạn đang đọc bài viết 10 năm xuôi ngược con nước làm sạch một dòng kênh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hồng Lĩnh - Phan Nhơn/VOV

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới