Thứ tư, 08/05/2024 10:46 (GMT+7)

Bình Định: Cống nước thải đổ thẳng ra biển, cả một vùng nước đổi màu

MTĐT -  Thứ tư, 16/06/2021 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân thôn An Quang, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) phản ánh, nước xả thải từ đường cống được đấu nối trực tiếp chảy ra biển bốc mùi hôi, tanh khó chịu.

Cống nước thải chảy ra biển. Ảnh: Trương Định

Theo người dân, nguồn nước thải bắt nguồn từ một doanh nghiệp nuôi tôm phía bên trong, nằm cách đó không xa. Nước chảy ra từ đường ống cống có mùi hôi tanh, rất khó chịu.

“Hôi lắm, nên đoạn này không ai dám tắm biển. Đây là chất phân của tôm, người ta chưa xử lý mà thải ra luôn nên mới đen như vậy”, một người dân cho hay.

Người dân phản ánh, sự việc thường xuyên xảy ra.

Ông Phạm T. (40 tuổi, thôn An Quang Đông) cho biết, mùi hôi nặng nhất là ban đêm. “Ban đêm mà ra đó ngồi thì chịu không nổi đâu, hôi lắm. Tôi dân đi lặn, lúc ở ngoài nước trong mà khi vô tới đó (vùng nước gần cống – PV) thì thấy người khác liền, mệt liền”.

Theo trưởng thôn An Quang Đông, lâu lâu doanh nghiệp cũng thải ra ngoài. “Ví dụ trường hợp tôm bị chết, bị chết non thì xả. Nhưng xả theo thủy triều. Tức là thủy triều xuống thì thải ra sẽ trôi, nhưng thả không đúng thời gian thì sẽ chảy ngược trở lại. Việc này một số người dân cũng có phàn nàn. Doanh nghiệp cũng có bồn để xử lý, còn xử lý như thế nào thì mình đâu vô xem được".

“Nói đúng là lúc nào nó cũng hôi chứ thức ăn mà nó tồn đọng mà không xử lý thì các chất hóa học nó không biến dạng thì sẽ hôi thôi”, vị này cho hay.

Đường ống cống được đấu nối ra biển. Ảnh: Trương Định

Theo ghi nhận của PV sáng 15/6, cả một vùng nước biển dài gần 1km bị đổi màu, ngay tại miệng cống lượng nước được xả ra tương đối khá lớn, bốc mùi hôi.

Nước được thải ra từ ống cống.

Nước biển gần miệng cống đổi màu.

Cả một vùng biển dài nước biển bị đổi màu.

Liên quan sự việc này, ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho hay, chưa nhận được phản ánh của người dân.

Theo ông Hiếu, cống được đấu nối ra biển là của doanh nghiệp Ngọc Châu. Doanh nghiệp này nuôi tôm với số lượng lớn diện tích 10ha, nuôi với quy trình khép kín và cũng có hệ thống xử lý nước thải. Cống nước thải từ khi doanh nghiệp bắt đầu vô nuôi đã có rồi.

“Chỗ này Phòng Tài nguyên và Sở Tài nguyên môi trường cũng kiểm tra định kỳ hằng năm. Qua kiểm tra thấy hệ thống lọc đã qua nhiều bể mới thải ra môi trường. Tiếp nhận thông tin chúng tôi sẽ thành lập tổ công tác để tiến hành đi kiểm tra cụ thể để có báo cáo. Tùy theo chức năng và quyền hạn, xã sẽ có ý kiến đến các cơ quan liên quan".

Theo ông Hiếu, muốn xác định việc xả thải của doanh nghệp có quy phạm về nồng độ hay gì đó thì ở xã chưa thể xác định được. Phải có sự phối hợp của các cơ quan để kiểm tra, đánh giá có đúng là xả trực tiếp hay là xả thải chưa đảm bảo.

Cống nước thải chảy ra biển. Ảnh: Trương Định

Trao đổi với Tiền Phong, bà Hà Thanh Hương – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, doanh nghiệp Ngọc Châu đã có đánh giá tác động môi trường được tỉnh phê duyệt. Sở cũng có kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến năm nay, do dịch COVID-19 nên Sở chưa đi kiểm tra. Nhưng khi có vấn đề nào địa phương, người dân phản ánh thì sẽ đi kiểm tra.

Bà Hương cho hay, các đợt kiểm tra trước đây, nước thải qua xử lý của doanh nghiệp đều đạt tiêu chuẩn. Trong ngày hôm nay (16/6) Sở sẽ cho đơn vị xuống để lấy mẫu gửi đi phân tích đánh giá.

Theo TRƯƠNG ĐỊNH/ Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Cống nước thải đổ thẳng ra biển, cả một vùng nước đổi màu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những phụ nữ bảo vệ rừng ngập mặn ở Colombia
7 giờ sáng ở Tumaco, thị trấn ven biển ở Narino (Colombia), cô Anabel Magallanes đi bộ qua bãi bồi rừng ngập mặn khi thủy triều xuống. Cô tìm kiếm piangua, một loài nhuyễn thể giàu dinh dưỡng, đồng thời tham gia trồng cây giống, bảo tồn rừng ngập mặn.