Thứ hai, 29/04/2024 03:03 (GMT+7)

Quây rào sắt vỉa hè Hà Nội làm khó người đi bộ, chuyên gia nói gì?

MTĐT -  Thứ tư, 23/02/2022 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số tuyến phố tại Hà Nội vừa được dựng hàng rào sắt “bịt” toàn bộ mặt tiếp giáp với lòng đường gây nhiều phiền toái cho người đi bộ, đặc biệt với xe đẩy trẻ em.

Từ tháng 1/2022, Sở GTVT thành phố Hà Nội đã tiến hành lắp đặt rào chắn tại một số đoạn đường thường xuyên xuất hiện tình trạng các phương tiện giao thông dừng đỗ, đi lại lên vỉa hè. 

Tại một số đoạn đường như đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm), đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai)… các rào chắn này giúp ngăn dòng xe cơ giới đi lên. Hai đầu đường, rào được bố trí so le chỉ vừa cho người đi bộ lách qua.

tm-img-alt
tm-img-alt
Tại nút giao Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết, khu vực phía trong rào chắn gần như được chiếm dụng, cải tạo để trở thành các quán trà đá vỉa hè.

Nhiều người đi bộ cho rằng, họ khá khó khăn khi di chuyển qua rào chắn vì phần rào xếp so le khá hẹp, đặc biệt là người khuyết tật hoặc xe đẩy trẻ em.

Tương tự tại nút giao Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết (quận Nam Từ Liêm) có khoảng 200m hàng rào được dựng lên. Đây được cho là khu vực thường xuyên có xe máy tùy tiện leo lên vỉa hè hay các hộ dân bán hàng quán.

tm-img-alt
tm-img-alt
Vỉa hè được quây, khoảng trống bên trong ở nhiều nơi bị chiếm dụng, ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị.

Tại một vị trí khác, ngã ba Tố Hữu - cầu Mộ Lao (quận Nam Từ Liêm) các hàng rào được dựng lên đã ngăn được tình trạng xe máy đi ngược chiều lên vỉa hè để thoát tắc.

Tuy nhiên một số hộ kinh doanh đá xẻ và cho thuê cốt pha tại đây lại biến khu hàng rào thành nơi tập kết vật liệu.

Bên cạnh đó, việc dựng rào chắn cũng có nhiều bất cập. Cụ thể, tại nhiều vị trí vỉa hè có điểm chờ xe buýt, hành khách hay đứng để lên xuống xe cũng bị hàng rào bịt lại. Do lối kết nối với xe buýt từ vỉa hè bị bịt, những ngày qua hành khách chờ xe buýt trên đoạn đường này phải đứng thành hàng ngang ở mép vỉa hè rất bất tiện.

tm-img-alt
tm-img-alt
Hai đầu vỉa hè bị "khóa" bởi những cột hàng rào dựng so le thế nhưng vẫn có nhiều xe ôm lách rào để tập trung đón, trả khách.

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: "Mục tiêu của hệ thống rào chắn là nhằm hạn chế tình trạng các phương tiện đi lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông. Về cơ bản, mục tiêu này là tốt nhưng mức độ hiệu quả còn cần phải nghiên cứu thêm". 

Theo ông Liên, phía Sở GTVT Hà Nội cần thực hiện việc lắp đặt rào chắn có kế hoạch, đánh giá tình hình các tuyến đường đã lắp đặt rào chắn xem mức độ hiệu quả đến đâu. Từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp tình hình và nhu cầu thực tế. Tránh tình trạng làm đại trà sẽ gây lãng phí, phản tác dụng.

Bên cạnh đó cũng cần rà soát lại việc bố trí rào quá chật, không đủ chỗ cho xe đẩy trẻ em, xe lăn của người khuyết tật ra vào, lên xuống tại các tuyến hè sử dụng phân cách cứng.

tm-img-alt
tm-img-alt
Mặc dù trên lý thuyết, hệ thống rào chắn được xếp so le sẽ có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các phương tiện di chuyển lên vỉa hè. Nhưng thực tế cho thấy tại một số đoạn đường có không gian nhỏ hẹp, việc lắp đặt rào chắn cũng gây khó khăn cho người đi bộ. Nhiều trường hợp người đi bộ chọn đi xuống lòng đường thay vì lách qua các lối đi của rào chắn chỉ rộng vài chục cm.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan nhận định, việc lắp barie là cần thiết để ngăn xe máy và bảo vệ người đi bộ. Việc để vỉa hè bị chiếm dụng, trở thành nơi tập kết rác, bán hàng… gây khó khăn cho người đi bộ, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền cơ sở khi buông lỏng quản lý. 

Muốn việc lắp rào chắn nhận được sự đồng tình của người dân phải làm đến nơi đến chốn đồng thời đảm bảo trật tự đô thị đồng bộ.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng bày tỏ quan điểm: "Ngoài chức năng phục vụ giao thông, vỉa hè còn là bộ mặt đô thị, do vậy quản lý, sử dụng vỉa hè cũng phải theo cơ chế mở, không thể dựng hàng rào "khóa" lại".

Liên quan đến phản ánh một số đoạn vỉa hè sau khi quây rào lại bị biến thành khu vực bán trà đá, tập kết rác, Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Sở GTVT chỉ là quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải còn về chức năng quản lý trật trự đô thị, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại".

Bạn đang đọc bài viết Quây rào sắt vỉa hè Hà Nội làm khó người đi bộ, chuyên gia nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo SKĐS

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.