Tp.HCM: Lại tái diễn nạn xây dựng nhà không phép. (Bài 4)
Việc xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp xảy ra trong suốt thời gian dài tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh dẫn đến nhiều hệ lụy.
Như chúng tôi đã phản ánh trong các kỳ trước,việc xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp xảy ra trong suốt thời gian dài tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh dẫn đến nhiều hệ lụy.Không chỉphá vỡ quy hoạch đô thị, hình thành các khu dân cư không đảm bảo hạ tầng, kỹ thuậtmà cònảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cộng đồng.
Tưởng chừng sau chuyến thị sát của nguyên Bí thư thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác tại huyện Bình Chánh, sẽ trấn áp được các đầu nậu, môi giới, khống chế được nạn xây dựng nhà không phép. Nhưng không, sau một thời gian im hơi lặng tiếng, thì trong khoảng tháng 6/2020 đến thời điểm này nhà xây dựng không phép lại tiếp tục hoạt động, mọc lên vô tội vạ.
Sau loạt bài Tp.HCM:Lại tái diễn nạn xâydựngnhà không phép mà Môi trường & Đô thị điện tử phản ánh ở địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã - đã trao đổi qua điện thoại với Lãnh đạo Văn phòng đại diện Môi trường & Đô thị Việt Nam tại Tp.HCM để sắp xếp thời gian làm việc. Tuy nhiên, ngày 13/12 khi PV trực tiếp đến UBND xã liên hệ thì được bà Phạm Thị Ngọc Hiếu (nhân viên văn phòng UBND xã) cho biết ông Duy bận họp và yêu cầu để lại thông tin. Mặc dù, theo quy định tác nghiệp của Bộ Thông tin & Truyền thông, PV đã xuất trình giấy giới thiệu, CMND, nhưng bà Hiếu vẫn yêu cầu được xem Thẻ Nhà Báo (!). Sau khi để lại thông tin, PV đề nghị bà Hiếu đóng dấu Công Lệnh công tác thì bà một mực không đồng ý, với lý do “chưa làm việc nên không đóng dấu”. Dù đã nhiều lần giải thích về Công Lệnh là để xác thực PV có đến liên hệ công tác, nhưng bà Hiếu vẫn không đóng dấu, chỉ ghi biên nhận “PV không cung cấp thẻ nhà báo” (!). Chúng tôi biết rằng, Sở Thông tin – Truyền thông Tp.HCM và Trung tâm báo chí thành phố đã có nhiều buổi tập huấn và có văn bản gửi cho các quận/huyện về các giấy tờ mà PV khi tác nghiệp cần xuất trình đúng với quy định của Luật Báo chí nhưng có lẽ cán bộ xã Vĩnh Lộc A tự cho phép mình đứng trên pháp luật nên mới có những yêu cầu vô lý như vậy (!).
Cách đây không lâu, ông Lữ - nguyên Chủ tịch UBND huyện - từng nói tại buổi làm việc sau chuyến đi thị sát cùng đoàn ngày 17/5, “thực trạng vi phạm đất đai, xây dựng tại Bình Chánh giống như con bạch tuộc mà đầu não là các đầu nậu. Con bạch tuộc vươn vòi từ trong ra ngoài, bên trong là gắn với một số cán bộ bị mua chuộc làm ngơ cho việc vi phạm, bên ngoài là các đối tượng trung gian khác như cò, môi giới”. Phải chăng, đúng như lời ông Lữ nói, có một số cán bộ của xã Vĩnh Lộc A đang tiếp tay cho sai phạm để trục lợi cá nhân?
Từ cái nhìn tổng thể, cũng như khách quan từ các chuyến đi thực tế của PV vừa qua, cho thấy tình hình xây dựng nhà không phép tại xã Vĩnh Lộc A đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, từ đó hình thành các khu dân cư, hẻm tự phát, không phù hợp với quy hoạch ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, đặc biệt là vệ sinh môi trường khi vật liệu xây dựng, đất san lấp, xà bần...đổ tràn lan, làm cho cư dân phải mặc nhiên hứng chịu. Công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập nên không chỉ nhà không phép xây mới mọc lên như “nấm”, không kiểm soát được mà nhà không phép đã tồn tại, nay hư hỏng cũng được “trung tu, đại tu” mà chẳng có cơ quan nào đứng ra xử lý.
Đơn cử một trường hợp, căn nhà có địa chỉ F1/72, tổ 2-3, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A xây dựng trên đất quy hoạch kênh cống, thuộc diện không được sửa chữa. Nhưng mới đây căn nhà trên đã sửa chữa “thuận lợi” và đưa vào sử dụng. Vậy thì, ai đã cho phép chủ nhân của nó thực hiện trót lọt như vậy?
Căn nhà xây dựng và sửa chữa trên đất quy hoạch kênh cống (F1/72, tổ 2-3, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A). |
Trong khi đó, với một hệ thống tổ chức được đánh giá là không hề mỏng như tổ trưởng, ấp trưởng, UBND xã, thanh tra địa bàn... lại để những công trình không phép mọc lên ngang nhiên, đưa vào sử dụng. Trước sự việc trên, dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi: do trình độ quản lý của cán bộ địa bàn yếu kém hay chính vì sự buông lỏng của chính quyền sở tại nên tình trạng xây dựng nhà không phép lại tái diễn một cách nghiêm trọng?
Nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt ngay từ ban đầu, hậu quả sẽ rất khó lường, đặc biệt là khi dùng biện pháp cưỡng chế, thiệt hại không ai khác ngoài người dân. Đã có không ít trường hợp lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng khi cưỡng chế xảy ra vì người dân quá bức xúc vì trước đây chính quyền đã làm ngơ, tạo điều kiện cho họ xây dựng nay lại buộc tháo dỡ, họ đã mất hết số vốn ky cóp, gom góp trong nhiều năm!
Khu nhà không phép và con hẻm tự phát. (Khu vực ấp 1, xã Vĩnh Lộc A). |
Điển hình là trường hợp của ông Võ Văn Hiệp (SN 1951, ngụ Ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A) cũng vì lý do chung chi nửa vời, cưỡng chế theo kiểu “bên trọng bên khinh” khiến ông Hiệp bức xúc, uất ức bị dồn nén dẫn đến tự sát, nhưng bất thành. Cũng theo ông Hiệp, trước khi khởi công, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đã chung chi hai lần nhưng cuối cùng thì nhà vẫn bị cưỡng chế, với tổng thiệt gần 1,5 tỷ đồng. Ông cho biết thêm, vì sao vị Tổ trưởng ở gần đó tuy xây dựng nhà không phép giống như gia đình ông nhưng vẫn thi công bình thường (!). Liệu cán bộ xã không biết hay vì một lý do nào khác?
Không riêng gì trường hợp của ông Hiệp, tất cả các công trình xây dựng không phép khi bị cưỡng chế đều trở thành một đống xà bần, vật liệu xây dựng trở thành phế liệu, thiệt hại không hề nhỏ. Nhóm PV khi đến ghi hình cảm thấy rất xót xa. Nếu ngay từ ban đầu mà chính quyền địa phương kiên quyết, không cho xây dựng thì liệu người dân có bị thiệt hại nặng nề đến như vậy không?
Khu đất nông nghiệp đang được san lấp (gần địa chỉ F3/9F đường Liên Ấp 6-2, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A). |
Ngoài ra, để thực hiện một vụ cưỡng chế nhà không phép, cơ quan chức năng phải huy động rất nhiều lực lượng, kinh phí không hề nhỏ do ngân sách bỏ ra.
Vậy tại sao UBND xã Vĩnh Lộc A không sâu sát hơn trong việc quản lý địa bàn, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm và dùng biện pháp cưỡng chế nóng để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất cho nhà nước? Hay đơn giản đây là tiền ngân sách, cán bộ xã không mấy quan tâm, miễn là làm để có thành tích báo cáo lên cấp trên một cách thuận lợi?
Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin