Chủ nhật, 28/04/2024 21:13 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội phát triển giáo dục chất lượng cao, hướng đến nền giáo dục chuẩn cả nước

MTĐT -  Thứ tư, 09/03/2022 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Sẽ không thể có Thủ đô văn hiến, không có người Hà Nội thanh lịch nếu không có một nền giáo dục tốt, văn hiến, thanh lịch không thể xây dựng trên một nền tảng giáo dục trung bình”.

Ngày 8/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về lộ trình cho học sinh đi học trực tiếp trở lại tại trường và tình hình công tác giáo dục, đào tạo của TP Hà Nội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, toàn thành phố hiện có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 2.206.906 học sinh và 138.090 giáo viên.

Với tinh thần "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành giáo dục thủ đô đã kịp thời triển khai việc dạy học trên truyền hình, trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn.

Năm học 2021, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế. Hiện thành phố có 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 63,9% (1.791/2.802).

Về lộ trình đưa học sinh đến trường học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay việc đưa học sinh trở lại trường được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2.

Tính đến ngày 6-3, học sinh tiểu học và lớp 6 của Hà Nội tiếp tục thực hiện dạy và học trực tuyến; số học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đến trường học trực tiếp chiếm 46,07%; số học sinh THPT học trực tiếp chiếm 58,45%.

Khó khăn của Hà Nội hiện nay là do tác động của dịch bệnh, một số cơ sở giáo dục mầm non giải thể hoặc có nguy cơ giải thể; nhiều giáo viên, nhân viên mầm non bỏ nghề, chuyển nghề do thu nhập quá thấp dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, nhân viên khi trẻ được đi học trở lại.

tm-img-alt
Toàn cảnh cuộc họp.

Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: "Không có địa phương nào áp lực về chất lượng, đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội đối với giáo dục lại cao như ở Hà Nội".

Khẳng định giáo dục đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Sẽ không thể có Thủ đô văn hiến, không có người Hà Nội thanh lịch nếu không có một nền giáo dục tốt, văn hiến, thanh lịch không thể xây dựng trên một nền tảng giáo dục trung bình”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cho rằng, giáo dục Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế, cần đi trực tiếp hơn nữa vào chất lượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định bộ sẽ tập trung rà soát các chính sách để mở đường cho GD-ĐT cả nước, trong đó có TP Hà Nội phát triển. "Đề nghị Hà Nội mạnh dạn thí điểm một số chủ trương, chính sách mới để phát triển GD-ĐT, như hợp tác công tư, tổ chức trường liên cấp, huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ sẵn sàng cử lãnh đạo tham gia tổ công tác phối hợp với thành phố để triển khai thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn thành phố dành không gian phát triển xứng đáng cho hệ thống các trường đại học trên địa bàn.

Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô, như chính sách hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên... Bộ GD&ĐT cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp, đồng thời sẽ rà soát hệ thống các chính sách hiện hành để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Để có các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của thành phố. Thành phố cũng cần xem xét phát triển mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên, bằng cả hình thức công, tư. Ngoài ra, trong phát triển đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào về học tập. Bởi một đô thị đẳng cấp, chất lượng, đổi mới sáng tạo, đô thị số không thể thiếu việc này.

Tại buổi làm việc, TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT đã thống nhất xem xét thành lập tổ công tác, xây dựng chương trình phối hợp công tác để cùng song hành phát triển giáo dục Thủ đô, tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thu hút nguồn lực, phát triển GD&ĐT chất lượng cao, ngang tầm khu vực và thế giới và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất GD&ĐT.

An Hạ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội phát triển giáo dục chất lượng cao, hướng đến nền giáo dục chuẩn cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.