Thứ tư, 08/05/2024 11:26 (GMT+7)

Khen thưởng – phải xuất phát từ những gì xứng đáng

Hải Vân -  Thứ năm, 24/11/2022 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khen thưởng – một việc làm hết sức quen thuộc của các cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp nào đó. Nó được thực hiện vào dịp cuối năm hoặc khi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện một nhiệm vụ nào đó.

Khen thưởng là việc ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình lao động, học tập hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Xuất phát từ ý nghĩa tích cực đó, khen thưởng chính là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân, tổ chức hăng hái thực hiện nhiệm vụ sao cho đạt kết quả tốt nhất. Cùng với sự phát triển của xã hội, việc khen thưởng cũng dần có sự đổi thay và bộc lộ những vấn đề đáng suy ngẫm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

“Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, câu tục ngữ ấy đã khái quát rất đúng giá trị của những đồng tiền thưởng đối với mỗi người. Nói rộng ra, khi nhận được những phần thưởng động viên khuyến khích, dù là nhiều hay ít nó đều có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Được khen thưởng, người ta sẽ có cảm giác rất vinh dự, tự hào khi mình được ghi nhận, được đánh giá cao. Đó là nguồn động lực thôi thúc họ cố gắng không biết mệt mỏi.

Khi làm được việc gì đó được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao và khen thưởng, mỗi người sẽ cảm thấy không tiếc công sức mình đã bỏ ra, thậm chí còn mong tiếp tục cố gắng để đạt được thành tích cao hơn thế.

Để khen thưởng đạt được đúng mục đích của nó, cần thực hiện một cách công bằng, đúng người, đúng việc. Tránh thiên vị, ưu tiên hoặc cả nể. Khen thưởng phải thực hiện kịp thời và duy trì liên tục.

Khen thưởng đúng lúc, kịp thời, sẽ tạo ra tam lý phấn khởi, tiếp thêm động lực cho mọi người tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Chúng ta thường thấy: Sau mỗi lần ghi bàn thắng, các cầu thủ thường nhận được phần thưởng nóng của nhiều nhà tài trợ.

Sau mỗi đợt phá án thành công, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thường được cấp trên tặng bằng khen kèm theo tiền thưởng và thăng quân hàm trước thời hạn. Sau mỗi việc làm tốt như: học sinh nhặt được của rơi trả lại người mất, dũng cảm cứu người, đạt giải cao trong các kỳ thi,  bác sỹ và ê kip phẫu thuật thành công ca mổ khó, bác sỹ hiến máu cấp cứu cho bệnh nhân… thường được khen thưởng nóng, rất nhanh chóng và kịp thời.

Qua đó tạo tâm lý phấn khởi cho người được khen thưởng, lan toả các việc làm ý nghĩa trong cộng đồng thu hút sự quan tâm, nhân rộng cho mọi người học tập và làm theo.

Ngược lại, nếu công tác khen thưởng được thực hiện qua loa, đại khái, nặng về hình thức hoặc có dấu hiệu “thiên vị”, ưu tiên cho người không xứng đáng sẽ lập tức phản tác dụng.

Giữa một tập thể cùng lao động, nếu không dành sự khen thưởng cho người có cố gắng lớn nhất, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công việc thì sẽ tạo ra tâm lý bất mãn, làm mất động lực, niềm tin của cả một tập thể.

Trong một lần gặp mặt tri ân ngày kỷ niệm thành lập ngành, chị C không dấu nổi nỗi ấm ức, chị bật khóc thành tiếng trước mặt rất nhiều người. Thì ra, bấy lâu nay mọi công sức cố gắng của chị chăm lo cho công việc của cơ quan không được đền đáp.

Chị và đồng nghiệp ngỡ ngàng nhìn chị Bích được sướng tên lên nhận giấy khen. Có lẽ vì ít cùng các đồng chí lãnh đạo đi tiếp khách nên không được khen thưởng - Tiếng chị C nức nở kéo dài và tự trách mình chỉ “làm thân con trâu kéo cày” và rơi vào cảnh “cốc mò cò xơi”.

Nói vậy mới thấy, việc xét khen phải căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, không thể nhắm mắt khen bừa, hoặc khen không đúng người, đúng việc, càng không thể thiên vị vì tình cảm cá nhân.

Cuối năm đã đến rất gần và được báo hiệu bằng công văn mời họp xét thi đua của khối. Chị An tần ngần chẳng muốn đi họp vì chị biết rằng: “Năm nay dù rất nhiều thành tích nhưng khen thưởng chắc không đến lượt mình”.

Chị biết vậy vì đã thành thông lệ, năm trước ai được khen rồi, năm sau sẽ nhường lại cho người khác. Cơ quan nào được khen rồi thì năm sau sẽ đến lượt cơ quan khác. Và cũng khó thật, vì vẫn có một vài cơ quan đang “nuôi khen thưởng”.

Vì đã được khen 3 năm liên tục nên cơ quan nọ nhất định không muốn luân phiên, họ ý kiến đề nghị các đơn vị còn lại “tạo điều kiện” vì cơ quan của họ đang cố đủ 5 năm khen thưởng để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua, và người đứng đầu cũng cố để đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tiếp”.

Với tính chất khen thưởng kiểu này, dù không tiện nói ra nhưng sẽ chẳng còn ai muốn cố gắng vì biết trước sự cố gắng đó không được ghi nhận. Tâm lý thi đua sôi nổi bị bào mòn dần, con người rơi vào trạng thái “dĩ hoà vi quý”, coi khen thưởng là một thứ có thể đem ra chia, hoặc là một phần quà từ thiện, vì thương ai đó là sẵn sàng san sẻ, nhịn nhường. 

Là công nhân kỹ thuật ở một công ty nọ, có lần anh Sỹ đã tức tối bỏ việc sau một lần thưởng tết. Phần thưởng được bảo mật, số tiền thưởng được chuyển vào tài khoản riêng của mỗi người.

Đến khi tình cờ biết đồng nghiệp lười nhác, ỷ lại thường ngày được lương cao việc nhẹ, trong lòng anh Sỹ trỗi dậy bao ấm ức, giận hờn. Lâu nay, những công việc nặng nhọc, nguy hiểm họ mặc sức đùn đẩy cho anh cáng đáng. Chẳng quản ngại nề hà, anh đều thực hiện xong xuôi. Vậy mà, khi nhận chế độ lại không bằng người thưa tay, khéo miệng.

Anh thất vọng tràn trề và bỏ việc với mong muốn tìm đến nơi mới để có sự công bằng. Khen thưởng chỉ thực sự công bằng khi có sự kiểm tra, đánh giá, theo dõi kết quả khách quan và công tâm. Cũng là một công nhân như anh Sỹ, nhưng anh Công lại rất vui vẻ với công việc mình đang làm.

Do ảnh hưởng sau đại dịch, công ty anh ít việc phải chia nhau nghỉ luân phiên. Đồng nghiệp cùng làm đã  vài người lần lượt tìm công ty mới, riêng anh Công vẫn kiên trì bám tụ lại vì anh thấy “Chẳng ở đâu đãi ngộ tốt như nơi đây”. Lãnh đạo công ty luôn biết cách động viên, khen thưởng công nhân rất kịp thời, khiến anh và mọi người luôn tìm được niềm vui trong công việc, luôn muốn phấn đấu để kết quả ngày một khá hơn.

Anh tin rằng “khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, tìm được một nơi phúc lợi xã hội công bằng như nơi này không hề dễ”. Anh quyết tâm ở lại và cùng công ty vượt qua mọi khó khăn. 

Còn nhớ cuộc họp phụ huynh đầu năm học ở một ngôi trường nọ, nhiều vị phụ huynh không khỏi ngạc nhiên khi cô chủ nhiệm thông báo chỉ tiêu học sinh giỏi năm nay trường giao cho lớp là 16/34 em.

Nói như vậy, để đạt được chỉ tiêu trong năm học thì bằng mọi cách 16 trò kia phải đạt điểm giỏi? Hay “phù phép” biến hoá nâng điểm số của các em lên để đạt mức chỉ tiêu giao?

Việc khen thưởng thực hiện theo cách “bắt buộc phải nhận khen cho đủ chỉ tiêu” thật khiến người nhận không lấy gì làm vinh dự. Còn những em miệt mài cố gắng sẽ cảm thấy thật không công bằng khi cùng được danh hiệu giỏi như nhau.

Khen thưởng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được dành cho đúng người, đúng việc. Giá trị của của khen thưởng sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi nó được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đảm bảo khách quan, trung thực và công bằng.

Ngược lại, khen kiểu chạy theo phong trào, mang nặng tính hình thức và “cào bằng” thành tích sẽ khiến cho người xứng đáng được khen thấy vô giá trị, người chưa đáng mà được khen cảm thấy dửng dưng.

Động lực từ khen thưởng đúng nghĩa sẽ làm cho xã hội và cá nhân ngày càng phát triển, chớ quên đi những việc cần làm mà biến khen thưởng thành một cuộc phân chia.

Bạn đang đọc bài viết Khen thưởng – phải xuất phát từ những gì xứng đáng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những phụ nữ bảo vệ rừng ngập mặn ở Colombia
7 giờ sáng ở Tumaco, thị trấn ven biển ở Narino (Colombia), cô Anabel Magallanes đi bộ qua bãi bồi rừng ngập mặn khi thủy triều xuống. Cô tìm kiếm piangua, một loài nhuyễn thể giàu dinh dưỡng, đồng thời tham gia trồng cây giống, bảo tồn rừng ngập mặn.