Thứ sáu, 26/04/2024 17:09 (GMT+7)

Nghề của người nghèo

MTĐT -  Thứ sáu, 19/05/2023 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với hơn 3,2 triệu dân, Đồng Nai mỗi ngày phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Để dọn dẹp lượng rác khổng lồ này cho đường phố luôn sạch đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường…, đội ngũ công nhân vệ sinh vẫn ngày đêm âm thầm làm việc.

Đồng lương ít ỏi nên hàng ngày ông Lê Văn Nô, có gần 30 năm làm nghề thu gom rác tại TP.Biên Hòa, phải tranh thủ nhặt thêm ve chai từ đống rác để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: P.L
Đồng lương ít ỏi nên hàng ngày ông Lê Văn Nô, có gần 30 năm làm nghề thu gom rác tại TP.Biên Hòa, phải tranh thủ nhặt thêm ve chai từ đống rác để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: P.L

Thu gom rác thải được xem là nghề của người nghèo. Đa phần người làm công việc này có hoàn cảnh rất khó khăn; thậm chí ở TP.Biên Hòa có một số gia đình có 3 thế hệ cùng làm nghề thu gom rác…

Nhà có 2-3 thế hệ làm nghề thu gom rác

Như những con ong chăm chỉ, đội ngũ công nhân thu gom rác trên địa bàn TP.Biên Hòa lặng lẽ tỏa đi khắp nơi theo 2 khung giờ: từ 9-15 giờ và từ 18-20 giờ để thu gom những đống rác, bịch rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường và trong những con hẻm. Những ngày cao điểm nắng nóng như hiện nay, rác phân hủy nhanh hơn, vì thế cũng nặng mùi hơn, nhưng họ không nề hà, vẫn lặng lẽ làm công việc của mình.

Phụ trách thu gom rác trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa), ông Lê Văn Nô (ngụ P.Trung Dũng) mỗi ngày phải đi 4 chuyến mới thu gom hết rác trên địa bàn được giao. Gần 30 năm làm nghề thu gom rác, sức khỏe của ông Nô đã giảm nhiều khi bước vào tuổi gần 70. Vậy mà, mỗi ngày cứ vào 14 giờ, thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày, ông Nô vẫn đẩy chiếc xe ba gác đầy rác đến điểm tập kết trên đường Nguyễn Ái Quốc. Mồ hôi túa ra như tắm trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác nhưng ông vẫn nhẫn nại, chầm chậm đẩy xe rác nhích từng chút.

TS ĐỖ MẠNH CƯỜNG, Phó trưởng phòng Sức khỏe và môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rác là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn, vi trùng như: giun sán, khuẩn lỵ và thương hàn sinh sôi và tồn tại lâu dài. Bệnh tật sẽ phát sinh khi có các vật chủ như: chuột, ruồi, muỗi. Do đó, những người tiếp xúc thường xuyên với rác thải rất dễ mắc các bệnh như: hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai mũi họng, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh tim mạch và đặc biệt là ung thư.

Tâm sự về nghề thu gom rác, ông Nô cho hay: “Trước đây, cha tôi cũng làm công nhân thu gom rác, tôi theo phụ riết rồi quen. Cha mất, tôi nối nghiệp cha cho tới giờ đã 30 năm”.

Ông Nô kể, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, vợ ông bị ung thư, con gái phải đi phụ rửa chén cho một tiệm ăn nên khi thu gom rác, ông tranh thủ lượm ve chai để kiếm thêm. Mỗi khi quăng bọc rác lên xe, ông lại mở bọc ra xem có tận dụng được gì để bán không, bất chấp mùi hôi thối tỏa ra nồng nặc. Mỗi tháng, ông chỉ lãnh được 4 triệu đồng tiền lương nên phải sống hết sức tằn tiện và tìm thêm rác có thể tái chế để bán, lo chữa bệnh cho vợ và chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, sự vất vả ấy vẫn không làm ông Nô buồn phiền, suy sụp bằng việc mới đây vợ ông đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với ung thư. Sau khi lo hậu sự cho vợ, ông Nô tiếp tục quay lại với nghề gom rác để mưu sinh vì suốt thời gian qua, tất cả số tiền ông làm được đều lo chữa bệnh cho vợ.

Tương tự, gia đình chị Trần Phạm Thùy Dung (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cũng có 3 thế hệ làm nghề thu gom rác. 21 năm đảm đương công việc thu gom rác tại địa bàn KP.3 và KP.4 của P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), mỗi ngày chị Dung đều phải nhiều lần đẩy xe ba gác len lỏi vào các con hẻm để thu gom rác của gần 500 hộ dân. Khu vực thuộc địa bàn thu gom rác của chị Dung có nhiều hộ kinh doanh nên lượng rác thải ra cũng nhiều hơn so với những hộ bình thường. Để việc thu gom rác được nhanh gọn, sạch sẽ, chị phải thuê thêm một người phụ việc. Công việc được san sẻ nên thu nhập cũng phải chia ra, mỗi tháng chị nhận được 8 triệu đồng, còn người phụ việc khoảng 5 triệu đồng.

Nguy cơ thương tích, nhiễm bệnh cao

Là những thứ người ta bỏ đi, trong rác có nhiều thành phần chứa các loại vi trùng, vi khuẩn, mầm bệnh nguy hiểm và cả những thứ có thể gây sát thương cho công nhân vệ sinh trong quá trình thu gom, xử lý như: thủy tinh, vật sắt nhọn, mảnh sành…

Hơn 10 năm làm nghề thu gom rác, anh Trần Quý Hòa, một công nhân vệ sinh thu gom rác trên địa bàn KP.2 và KP.3, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) chia sẻ, bị xây xước chân tay trong khi làm việc là chuyện thường ngày. Dù có đi giày bảo hộ và mang bao tay nhưng hôm nào rác quá nhiều, buộc phải dùng chân để nén rác chặt xuống cho trống chỗ, rủi ro đạp phải những vật nhọn, sắt hoen gỉ cũng đành chịu. Có hôm bốc rác lên xe, nắm phải bịch rác chứa những miểng thủy tinh như: kiếng vỡ, chai lọ, ly sành bị xước tay cũng là chuyện khó tránh.

Nhân viên thu gom rác phải thường xuyên đứng trên đống rác nên giẫm miểng chai, vật sắt nhọn hoen gỉ là chuyện khó tránh
Nhân viên thu gom rác phải thường xuyên đứng trên đống rác nên giẫm miểng chai, vật sắt nhọn hoen gỉ là chuyện khó tránh

Theo anh Hòa, mỗi năm nhân viên trong tổ thu gom rác của anh phải đi tiêm phòng bệnh phong đòn gánh vài lần vì không ít lần va chạm phải những vật dụng bằng kim loại hoen gỉ. Riêng anh Hòa, năm 2022 cũng phải đi tiêm ngừa phong đòn gánh đến 3 lần. Anh Hòa cho biết thêm, thực ra nếu thay giày và găng tay bảo hộ mới thường xuyên thì cũng tránh được phần nào nguy cơ, nhưng vì thu nhập thấp nên nhiều khi giày rách, găng tay thủng anh em vẫn cứ tận dụng.

Không chỉ là sứt tay, trầy chân mà nhiều người làm nghề thu gom rác phải đối mặt với nguy cơ bị các bệnh liên quan đến các chất độc hại sinh ra từ rác.

Bà Võ Thị Ngái (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có hơn 20 năm làm nhân viên thu gom rác trên địa bàn, mới đây bà đã phải nghỉ làm vì phát hiện bệnh ung thư gan. Chị Trần Thiên Lý, con gái bà Ngái, cho biết: “Thấy mẹ em cứ đau âm ỉ trong bụng, đưa đi bệnh viện mới biết trong gan mẹ em có một khối u nhỏ. Tìm hiểu nguyên nhân, biết mẹ em từng có thời gian rất dài làm công việc tiếp cận với rác thải, bác sĩ cho rằng, môi trường ô nhiễm cũng là một trong những tác nhân gây nên bệnh”.

Dù làm công việc nặng nhọc, vất vả, độc hại, thu nhập thấp… nhưng hàng trăm người làm nghề thu gom rác trên địa bàn vẫn lặng lẽ mưu sinh, giữ cho môi trường, đường phố luôn sạch đẹp.../.

.

Bạn đang đọc bài viết Nghề của người nghèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Kim Liễu - Phương Liễu/Báo Đồng Nai

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới