Thứ hai, 29/04/2024 02:02 (GMT+7)

Nhọc nhằn nghề "quét rác"

MTĐT -  Thứ năm, 19/10/2023 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công việc quét, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt rất vất vả, thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nguy cơ mất an toàn giao thông trong ca làm việc, thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

Đầu giờ mỗi buổi sáng, người dân ở thành phố Yên Bái đi làm qua những con đường: Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng, Yên Ninh, Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, đường Thanh Niên, Lê Văn Tám... đều cảm nhận thấy thành phố luôn xanh - sạch - đẹp. Để có những con đường sạch sẽ, đẹp đẽ suốt bốn mùa thì cả 365 ngày trong năm, lúc nào cũng có hàng trăm công nhân, người lao động của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái đi làm sớm, tối quét, thu gom trung bình 310 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố Yên Bái thải ra, góp phần giữ gìn môi trường và làm cho những con đường của thành phố luôn sạch, đẹp, văn minh.

Chị Nguyễn Thị Thơm ở tổ 11, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái làm nghề quét rác từ năm 1996, đến năm 2022, chị về nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi 2,3 triệu đồng/tháng, đến tháng 7/2023, tăng lương hưu lên được 2,8 triệu. Chồng chị làm bảo vệ cho một công ty ở thành phố Yên Bái, thu nhập cũng chỉ được 2,7 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống vì gia đình chị đang phải nuôi con đi học cao đẳng.

Nhọc nhằn nghề "quét rác"
Chị Nguyễn Thị Thơm - công nhân Công ty cổ phần Môi Trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái thu gom rác thải tại khu vực chợ ga Yên Bái.

Sau khi chị nghỉ hưu, sức khỏe vẫn đảm bảo tiếp tục làm được nghề nên chị đã xin Công ty ký hợp đồng lại để làm việc với mức thu nhập 4,3 triệu đồng/tháng nhằm có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

- Công việc vất vả như vậy, sao chị không chọn nghề khác để làm? - Tôi hỏi.

- Chị Thơm cười: Vì mình yêu nghề, gắn bó với nghề này gần 30 năm rồi không muốn làm việc khác.

Với lại, đi làm để có thêm thu nhập chứ trông vào đồng lương hưu thì không đủ chi tiêu. Trước đây, Đội Vệ sinh số 2 giao cho mình làm việc ở đường Thanh Niên, sau đó giao cho làm việc tại đường Trần Hưng Đạo (khu vực chợ ga Yên Bái) hơn 15 năm. Sau khi ký hợp đồng lại, Công ty và Đội Vệ sinh số 2 cũng tạo điều kiện phân cho mình được làm gần nhà.

- Buổi sáng chị đi làm từ mấy giờ?

- Ca sáng mình đi làm từ 3 giờ 30 phút đến 8 giờ thì nghỉ, có hôm phải 8 giờ 30 phút, vì ở khu vực này là chợ đầu mối. Hôm nào Đội trật tự của phường đi kiểm tra, các hộ bán buôn rau, hoa quả chấp hành đúng giờ thì được nghỉ sớm; hôm nào Đội đi kiểm tra ở khu vực khác đến muộn, các hộ cũng bán muộn thì mình cũng phải nghỉ muộn hơn một chút. Ca chiều mình đi làm từ 17 giờ đến 19 giờ 30 phút mới được nghỉ, mùa đông hay mùa hè cũng vậy...

Tuy công việc vất vả hàng ngày phải tiếp xúc với môi trường độc hại, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập, song hàng ngày, người dân thành phố Yên Bái đi trên các tuyến đường vẫn gặp hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái làm việc sớm, tối để giữ cho đường phố luôn sạch, đẹp. Công việc quét rác của chị Lương Thị Kim Thủy ở thôn Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái về giờ giấc cũng tương tự như chị Thơm.

Chị Thủy chia sẻ sự nhọc nhằn trong công việc mà chị đã làm trong hơn 20 năm qua: "Trước khi xin vào Công ty Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái làm việc, mình đi buôn rau quả có hôm lãi được chút ít, có hôm ế ẩm thì không có thu nhập. Đến năm 2001, xin vào làm việc tại Công ty, phụ trách quét, thu gom rác trên đường Trần Phú, sau đó được giao về phụ trách thu gom rác tại đường Nguyễn Tất Thành (khu vực gần Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành).

Tuyến đường này theo hợp đồng của Công ty là chỉ thu gom rác sinh hoạt, nhưng hàng ngày lá cây rụng rất nhiều, nhất là cây sấu rụng quanh năm, mình vẫn phải quét gom vào từng chỗ cho sạch hành lang và đường chứ không thể không làm được".

"Bây giờ cán bộ xã, phường tuyên truyền nhiều, ý thức của các hộ dân cũng đỡ hơn, chứ trước đây, có ngày đi quét, thu gom rác thải sinh hoạt, đổ thùng rác của một số hộ ra do để lâu ngày mùi hôi thiu bốc lên, thậm chí có cả dòi, rất mất vệ sinh. Có nhà thì vứt cả gà chết, lợn dịch chết ra hành lang đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân, mình lại gọi điện báo cho chị Đội trưởng cử thêm vài chị em trong Đội đến giúp khênh lợn chuyển đi nơi khác chôn lấp...”, chi chi sẻ nỗi nhọc nhằn của nghề lao công.

Chị Thủy gắn bó với nghề "quét rác” được 20 năm, đến năm 2021 thì nghỉ hưu, lương được 1,8 triệu đồng/tháng; tháng 7 năm 2023, tăng lương hưu lên được 2,1 triệu không đảm bảo cuộc sống gia đình vì chồng chị mất khi con thứ hai của chị mới được 3 tuổi, năm nay cháu đã vào học năm lớp cuối cấp ba.

Sau khi nghỉ hưu, chị cũng không biết làm gì để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học nên chị xin Công ty hợp đồng lại để mỗi tháng có thêm thu nhập 4,3 triệu đồng trang trải cuộc sống gia đình...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi làm việc sớm, tối thuận tiện, Đội Vệ sinh số 1 và số 2 của Công ty đã tạo điều kiện phân công công việc cho 180 nữ và 2 nam công nhân được làm việc ở những tuyến đường gần nhà nhất.

Chị Nguyễn Thị Minh ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được phân công quét, thu gom rác thải tại đường Đá Bia (khu vực Bệnh viện Tâm thần) và đường Yên Ninh (khu vực Sở Y tế).

Chị Minh kể: "Tôi đi làm công nhân may được 3 năm, đến năm 2000 thì xin chuyển sang làm việc tại Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái, sau đó Công ty cổ phần hóa, tôi chuyển sang làm việc tại Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.

"Lần đầu tiên vào đẩy xe rác thải sinh hoạt từ Bệnh viện Tâm thần ra đường Đá bia, tôi bị một bệnh nhân đến gần xe rác trêu, sợ run hết cả chân tay, vì tâm lý chỉ nhìn thấy những người bệnh này là đã sợ rồi, may mà có mấy anh bảo vệ bệnh viện ra can thiệp kịp thời. Song mình cũng quen, vì yêu cầu của công việc nên cũng không thấy sợ nữa...”, chị chia sẻ về kỷ niệm "nhớ đời".

Chị Minh đi làm nghề "quét rác” đã được 23 năm, nhưng lương rất thấp, mỗi tháng chị làm 26 công (Công ty bố trí cho nghỉ 4 ngày chủ nhật), thu nhập chỉ được trên 4,4 triệu đồng; còn những công nhân mới vào hoặc vào được một vài năm, tiền lương chỉ được 3,8 - 4 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống nên hầu hết chị em ở Đội Vệ sinh số 1 và số 2 đều phải đi làm thêm đủ nghề như bán hàng thuê, bán rau, bán xôi, làm thợ nề, trồng rau, nuôi gà... để có tiền trang trải cuộc sống.

Hiện nay, Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái có 300 cán bộ, công nhân, người lao động, trong đó nữ có 238 người, còn lại là nam làm việc tại 3 phòng nghiệp vụ, 4 đội sản xuất, 3 phân xưởng.

Ngay từ đầu năm 2023, Công đoàn cơ sở Công ty đã phối hợp với Ban Giám đốc Công ty áp dụng lương tối thiểu vùng từ đầu năm và đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể, trang bị bảo hộ lao động... đầy đủ cho công nhân lao động.

Đến tháng 7/2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, song Công ty không thể tăng lương cho công nhân, người lao động vì tổng kinh phí đấu thầu của Công ty với UBND thành phố Yên Bái năm 2023 là 61 tỷ đồng. Trong đó, Công ty phải tự thu phí vệ sinh môi trường của các hộ dân ở các xã, phường trên địa bàn thành phố 3 tỷ đồng, do vậy không có đủ nguồn kinh phí để nâng lương cho công nhân, người lao động.

Thực tế, cuộc sống của công nhân lao động đang làm việc tại Công ty gặp rất nhiều khó khăn do đồng lương thấp, trong khi các mặt hàng thiết yếu sinh hoạt hàng ngày một tăng...

Những công nhân lao động làm nghề "quét rác” tại Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái như chị Thơm, chị Thủy, chị Minh và hàng trăm công nhân, người lao động khác ở đây cũng chỉ biết kỳ vọng vào kinh phí đấu thầu thu gom, xử lý rác thải năm 2024 của thành phố Yên Bái sẽ được nâng lên. Cùng với nguồn thu từ xử lý rác thải của nhà máy và các nguồn thu khác, Công ty sẽ cân đối tài chính, tăng lương cho công nhân, người lao động để đảm bảo cuộc sống, có thêm động lực để gắn bó với nghề lao công lâu dài, góp phần giữ gìn cho những con đường của thành phố luôn sạch, đẹp, văn minh.

Bạn đang đọc bài viết Nhọc nhằn nghề "quét rác". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Minh Hằng/baoyenbai.com.vn

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.