Thứ ba, 26/09/2023 19:59 (GMT+7)

Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị

MTĐT -  Thứ sáu, 24/03/2023 18:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vượt qua tự ti cơ thể đầy sẹo bỏng, nữ lao công chăm chỉ làm việc, sáng đi gom rác, tối hát phòng trà.

Biến cố năm 21 tuổi

Chị Tô Thị Sự làm công nhân vệ sinh môi trường ở TP.HCM, luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết ơn và sớm báo hiếu mẹ. Hơn 10 năm trước, khi chị Sự 21 tuổi, mẹ đã vắt kiệt sức để cứu con gái thoát khỏi tử thần. Cũng kể từ đó, chị tự nhủ mẹ vừa sinh ra mình lần thứ hai.

Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị
Chị Tô Thị Sự kể chuyện đời mình trong chương trình Gõ cửa thăm nhà.

Hồi tưởng lại cuộc sống năm 21 tuổi, đôi lần chị Sự không kìm được nước mắt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị rời quê Hà Tĩnh vào miền Nam làm thuê. Chị làm công nhân và thuê nhà trọ ở tỉnh Đồng Nai.

Đêm đó, chị trở về nhà sau khi tan làm ca 3. Trong lúc nấu ăn, bình ga bỗng dưng phát nổ, phút chốc phòng trọ bén lửa. Cô gái trẻ hoảng loạn tung cửa chạy ra ngoài. Ban đầu, chị Sự còn tỉnh táo nhưng sau đó dần hôn mê.

Lúc tỉnh lại ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nữ công nhân còn nghĩ chắc mình chỉ nằm viện vài ngày. Nhưng không, chị Sự bị bỏng với thương tật gần 50%, phải nằm viện hơn 2 tháng.

Bên cạnh nỗi đau về thể xác, tinh thần của chị Sự cũng sụp đổ hoàn toàn. Chị dần khép mình, tự ti, trầm cảm, không muốn gặp người khác. Lúc đó, người túc trực bên cạnh chị chính là mẹ.

Trong chương trình Gõ cửa thăm nhà, chị Sự kể: “Lúc đó, viện phí phải chi trả khoảng 170 triệu đồng, trong đó bảo hiểm chi 20%. Nhà tôi ở quê nghèo khổ, làm gì mà có số tiền lớn như thế. Mẹ thấy trong nhà có cái nào bán được đều đem bán sạch”.

Xuất viện với một cơ thể chằng chịt sẹo bỏng, tay, chân, cổ bị co rút, chị được mẹ đưa về quê chăm sóc. Mặc cảm, chị không dám ra ngoài, cũng chẳng có việc để làm. Tháng năm đó, chị phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, nhất là mẹ ruột.

Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị
Ký ức về biến cố bỏng nặng khiến nữ lao công bật khóc.

“Mẹ tôi cũng lớn tuổi, mỗi ngày đều ra chợ bán trầu cau. Mọi sinh hoạt cá nhân của tôi đều nhờ mẹ hỗ trợ. Tôi nhận ra mẹ đang phải nuôi mình lần thứ hai, sinh tôi ra thêm một lần nữa”, chị Sự khóc.

Lòng hiếu thảo buộc chị Sự phải mạnh mẽ, tìm cách mưu sinh. Một năm rưỡi sau, chị Sự vào lại TP.HCM để đăng ký các chương trình phẫu thuật từ thiện. Khi tay bắt đầu cử động trở lại, chị về Bình Dương bán vé số, xin làm công nhân cắt chỉ…

Chị chi tiêu rất tiết kiệm, tiền tích góp đều để dành lo thuốc men và chi phí cho ca phẫu thuật tiếp theo.

Nữ lao công hát ở phòng trà

Trong lần phẫu thuật cuối cùng, người con gái quê Hà Tĩnh tình cờ gặp gỡ anh Võ Bình Hòa (51 tuổi, TP.HCM). Anh Hòa cũng đến bệnh viện đăng ký phẫu thuật miễn phí. Vết thương của anh còn nặng nề hơn chị Sự.

Anh bị bỏng xăng, thương tật đến 93%. Trong 3 tháng nằm viện, bác sĩ luôn thông báo với người nhà rằng tình trạng của anh khó qua khỏi. Vậy mà, anh tỉnh lại, tập đi trong sự ngỡ ngàng của các bác sĩ điều trị.

Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị
Anh Hòa là chồng của chị Sự, bị bỏng còn nặng hơn vợ mình.

Lần đầu gặp chị Sự, anh Hòa mạnh dạn đến làm quen, xin số điện thoại. “Mục đích ban đầu của tôi là nhờ Sự thông báo lịch phẫu thuật miễn phí. Về sau, cả hai trò chuyện nhiều, hiểu nhau và dần có tình cảm”, anh Hòa chia sẻ.

Dù sức khỏe yếu nhưng anh Hòa vẫn thường chạy về Bình Dương thăm chị Sự. Tới lui hơn một năm, cả hai quyết định kết hôn, dọn về sống chung.

Qua nhiều năm, anh Hòa và chị Sự vẫn chỉ có tờ giấy đăng ký kết hôn, chứ chưa làm đám cưới, ra mắt hai họ. Hai người luôn mơ về một ngày kinh tế khá giả hơn. Khi đó, cả hai sẽ tổ chức một buổi tiệc báo hỷ nhỏ ở nhà hàng, bù đắp những thiệt thòi đã qua.

Hiện tại, vợ chồng chị Sự mưu sinh bằng nghề gom rác ở các chung cư. Công việc đòi hỏi hai người phải thức dậy từ 3-4h sáng và làm đến 10h.

Ngoài làm công nhân vệ sinh, chị Sự đi hát ở các phòng trà đến 1-2h sáng mới về đến nhà. Vừa ngả lưng vài tiếng, chị lại phải thức dậy thay đồ lao công đi làm cùng chồng đến trưa.

Anh Hòa nói: “Nhiều đêm thiếu ngủ, Sự phải dựa vào vai tôi hoặc ra thùng xe rác ngủ tạm. Chợp mắt một lúc, Sự lại cùng tôi làm việc. Lúc đầu, tôi thấy vợ như vậy thì xót, không muốn cô ấy đi hát nữa. Thế nhưng, Sự nói đó là đam mê, mà cô ấy cũng có năng khiếu nên tôi không cản nữa”.

Cơ duyên nữ lao công bước vào nghề hát cũng thật bình dị. Lần đó, nhạc sĩ Hồng Xương Long ra bài hát mới. Chị Sự thấy bài này hay nên hát thử rồi gửi tin nhắn cho anh Long và bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị
Dù không có đám cưới rình rang nhưng vợ chồng nữ lao công vẫn sống rất hạnh phúc.

Không ngờ, nam nhạc sĩ thấy chị Sự hát hay nên cho phép thu âm, làm MV bài hát đó. “Khi đăng tải bài hát lên YouTube, lượt xem tăng quá trời, tôi mừng lắm. Từ đó, tôi có động lực ra thêm một số sản phẩm và đi hát phòng trà, tham gia cuộc thi Giọng ca vàng Bolero”, chị Sự cho biết.

Nữ lao công hi vọng đam mê ca hát và công việc gom rác sẽ mang đến thu nhập ổn định cho gia đình. Chị ước có tiền mua được một ngôi nhà và thực hiện ước mơ về thăm mẹ già sau nhiều năm xa cách./.

Bạn đang đọc bài viết Nữ lao công sáng đi gom rác, tối hát phòng trà mơ về đám cưới giản dị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Ngọc Lài/vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục

Tổ trưởng thu gom rác tận tâm với nghề
Chị Phạm Thị Phiên, Tổ trưởng Tổ thu gom rác số 8 của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được người dân yêu mến.
Người tổ trưởng tận tâm
Gắn bó với nghề vệ sinh môi trường từ năm 2002, đến nay chị Nguyễn Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ môi trường số 4, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - chi nhánh Đống Đa đã có 21 năm kinh nghiệm với công việc này.
Lặng thầm làm sạch đường phố
Mỗi ngày cứ vào lúc 3 giờ sáng, người dân ở dọc đường Châu Thị Vĩnh Tế, Đỗ Bá (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) lại nghe những âm thanh thu gom rác quen thuộc từ anh Phan Đức Nguyên, công nhân đội 1, Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn.
“Hàng hiếm” của ngành vệ sinh môi trường ở Thủ đô
Với nhiều người, cực chẳng đã mới phải làm công nhân vệ sinh môi trường. Song, với anh Vũ Đình Trường - Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6, Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), đây lại là quyết định chưa bao giờ anh hối tiếc.
Tấm gương sáng của ngành vệ sinh môi trường Thủ đô
Sau hơn 20 năm gắn bó với “tiếng chổi tre”, chị Nguyễn Bích Ngọc đã trở thành ví dụ điển hình cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”.
Hơn 20 năm đón giao thừa ngoài đường phố
Những cận tết, khi người người, nhà nhà dành phần lớn thời gian mua sắm vật dụng, sửa soạn nhà cửa đón tết thì các công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Vinh,  Nghệ An  vẫn miệt mài thu gom, quét dọn rác trên các tuyến đường, phố.

Tin mới

Thông cáo chung Việt Nam - Bra-xin
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Bra-xin từ ngày 23 -25/9/2023. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung.