Thứ hai, 29/04/2024 04:54 (GMT+7)

Muôn nỗi nhọc nhằn nghề vệ sinh môi trường

MTĐT -  Thứ hai, 16/10/2023 15:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Như những chú ong chăm chỉ, họ đang hàng ngày làm đẹp từng nẻo đường, góc phố Đà Nẵng với tinh thần trách nhiệm và hơn cả là tình yêu họ dành cho thành phố bên bờ Hàn giang.

tm-img-alt

Đều đặn 17 giờ chiều mỗi ngày, anh Hồ Văn Tuấn (Công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu) có mặt tại khu vực tập kết xe thu gom rác để nhận xe, bắt đầu công việc thu gom rác trong các khu dân cư và dọn dẹp vệ sinh tại 10 tổ dân phố của phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu).

Leng keng leng keng… - Tiếng kẻng vang lên theo chiếc xe thu gom rác của anh Tuấn len lỏi qua từng ngõ phố, từng khu dân cư. Từ khi phố phường còn nhộn nhịp đến lúc mọi nhà quây quần bên mâm cơm gia đình hay khi nhà nhà đã ngon giấc, anh Tuấn vẫn miệt mài hốt rác lên xe rồi đẩy đến nơi tập kết thành từng đống gọn gàng chờ xe chở rác đến lấy.

Công việc của những công nhân vệ sinh môi trường như anh Tuấn là làm sạch đẹp cho thành phố. Mỗi ngày, các công nhân thường làm đến nửa đêm, có hôm trễ hơn thì 4-5 giờ sáng, đến khi rác được xe thu gom sạch sẽ thì họ mới kết thúc công việc và trở về nhà.

Đặc biệt, vào những ngày lễ Tết, khi mọi người mọi nhà háo hức, rộn ràng sắm sửa chuẩn bị đón Tết thì các công nhân vẫn miệt mài với công việc. Thậm chí, người bạn đón giao thừa cùng họ ngoài phố là chiếc xe thu gom rác.

Chọn gắn bó với công việc này đồng nghĩa những công nhân vệ sinh môi trường chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm nghề nghiệp như tai nạn giao thông khi lao động ngoài đường phố, nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, rác thải độc hại mỗi ngày….

tm-img-alt

Anh Tuấn tâm sự, có những hôm trời nắng, bịt mấy lớp khẩu trang nhưng mùi rác thải xộc vào mũi. Còn những ngày mưa bão thì rác thải sinh hoạt đọng nước, lá cây, cành cây gãy rụng nằm ngổn ngang nên dọn dẹp vất vả hơn.

“Những ngày lễ, Tết thì công tác thu gom cũng vất vả hơn bởi người dân dọn dẹp nhà cửa, rác thải cồng kềnh rất nhiều, mình phải làm xuyên đêm, có khi về tới nhà là trời đã sáng hẳn”, anh Tuấn bộc bạch.

Ăn vội ổ bánh mì trong lúc chờ xe rác đến, anh Tuấn kể, hơn 20 năm trước, anh làm nghề đi biển nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên anh quyết định “lên bờ” và làm nghề thu gom rác. Thấm thoát đã hơn 20 năm gắn bó với nghề.

Vất vả, cực nhọc song anh luôn trân trọng nghề thu gom rác bởi chính công việc này đã giúp anh có thu nhập ổn định để lo cho gia đình, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

“Có nhiều người dân tốt bụng lắm. Khi có chai nhựa, vỏ lon hay thùng giấy carton thì họ để riêng ra, nghe tiếng kẻng rác thì mang cho mình. Tuy không nhiều nhưng nhờ ve chai của mọi người mà mình có thêm ít đồng, bữa cơm gia đình cũng đủ đầy hơn”, anh Tuấn tâm sự.

tm-img-alt

Thấy xe rác từ xa đang đến, anh Tuấn uống vội ngụm nước rồi nhanh chóng ra hỗ trợ đồng nghiệp đưa rác lên xe thu gom. Xong xuôi, anh nhận lại thùng, tiếp tục công việc ở khu dân cư.

Trời càng về khuya, phố xá ngủ yên, chiếc kẻng trên xe thu gom rác của anh Tuấn cũng thôi leng keng. Tiếng chổi tre xào xạc lặng lẽ cùng anh len lỏi khắp các khu dân cư giữa màn đêm tĩnh lặng.

Xí nghiệp Môi trường Hải Châu có 249 cán bộ, nhân viên, trong đó có 225 lao động trực tiếp; chia thành 3 nhóm công việc: nhóm thứ nhất là duy trì vệ sinh thành phố làm việc từ 5h-10h sáng; chiều từ 13h-17h. Đối với công nhân phục vụ và thu gom rác thải theo xe phục vụ từ 18h đến khi kết thúc công việc, nhóm quét đêm cũng từ 18h đến kết thúc công việc. Bình quân một ngày, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thu gom khoảng 250 tấn rác, trong đó tập trung vào ban đêm khoảng 200 tấn.

tm-img-alt

4 giờ 30 phút sáng, mọi người còn chìm trong giấc ngủ, anh Nguyễn Văn Trung (Công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà) có mặt tại đơn vị để theo xe đi thu gom rác thải.

Dưới ánh đèn đường vàng vọt, anh Trung cùng đồng nghiệp đẩy các thùng đầy rác do công nhân vệ sinh môi trường tập kết về vào sát đuôi xe, điều khiển hệ thống để nâng thùng và đổ rác vào thùng chứa rác của xe chuyên chở.

Cứ như thế, xe của anh Trung đi qua từng điểm tập kết để thu gom rác. Có những điểm rác nhiều, vương vãi khắp mặt đường, anh Trung phụ đồng nghiệp quét dọn sạch sẽ rồi mới lên đi tiếp.

tm-img-alt

Công việc của công nhân theo xe thu gom rác như anh Tuấn tương đối nặng, vất vả và phải đối mặt với không ít khó khăn, hiểm nguy về sức khỏe khi thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi, khí độc từ rác, nhất là mùi từ xác động vật chết…

Đi qua xe rác, nhiều người phải nín thở nhưng các công nhân vệ sinh môi trường đã quen với mùi này, họ vẫn lặng lẽ làm việc bất kể nắng mưa. Chiều dần buông, những con đường rực rỡ ánh đèn cũng là lúc công việc của những công nhân theo xe thu gom kết thúc.

Tâm sự về những vất vả, nhọc nhằn của 11 năm theo nghề, anh Trung bộc bạch, với những công nhân theo xe thu gom rác thải, họ đã quen với cường độ làm việc khá cao. Nhất là những ngày mưa bão, phải tăng ca để kịp thời thu gom cành cây ngã đổ để xe cộ lưu thông thuận tiện. Dịp Tết đến thì phải làm ngày, làm đêm, theo xe liên tục để thu gom hết rác để người dân đón Tết với bầu không khí sạch sẽ, đường phố thông thoáng, du khách thoải mái vui chơi khi đến với Đà Nẵng.

tm-img-alt

“Nghề nào cũng có vất vả riêng. Công việc của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác sẽ ùn ứ lại ngay. Khi mình xác định chọn công việc này rồi thì mình phải yêu nghề, có trách nhiệm làm cho tốt nhiệm vụ được lãnh đạo phân công”, anh Trung nói.

Nguồn động viên lớn nhất để anh Trung và đồng nghiệp vững tâm theo nghề chính là gia đình và sự quan tâm, động viên từ lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh lương, bảo hiểm,... được chi trả đầy đủ thì việc thường xuyên được trang bị thêm đồ bảo hộ lao động cũng là một trong những động lực giúp mọi người gắn bó với công việc, san sẻ để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Không kể nắng mưa, không quản ngày đêm, những công nhân vệ sinh môi trường không có khái niệm “ngày nghỉ”. Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng họ luôn tự hào cùng chung tay vì một thành phố sạch đẹp hơn mỗi ngày./.

Bạn đang đọc bài viết Muôn nỗi nhọc nhằn nghề vệ sinh môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Mai Quang - Thanh Thảo/danang.gov.vn

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.